Không biết review gì sau khi xem phim này, thôi thì dẫn ra một số nét cơ bản và một số ý kiến “rất cá nhân” của mình. Trăng trên đất khách là một bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn phát hành năm 2007. Như cái tựa phim đã đề cập, Trăng trên đất khách nói đến cuộc sống của người lao động Việt Nam khi sinh sống và làm việc tại nước ngoài nói chung và tại nước Nga nói riêng. Cuộc sống mà theo con mắt của những người ở lại là một cuộc sống “sung túc” hơn những người ở nhà. Thế nhưng, hiện thực cuộc sống của những con người nơi đất khách quê người luôn ẩn chứa muôn vàn những khó khăn và nguy hiểm đằng sau cái vẻ hào nhoáng của nó. Về nội dung Phim khắc họa cuộc sống của Cẩm Nguyệt do nghệ sỹ múa Lan Vy thủ vai, một cô gái đi ra xứ người mang theo nhiều nỗi đau về gia đình. Đứa con gái mới mất khi mới được 5 tuổi và người chồng tên Phan-một người làm khoa học hay ghen tuông. Cẩm Nguyệt vốn là một nghệ sĩ múa nhưng do cô và Phan đều không có việc làm nên cô quyết định đi xuất khẩu lao động. May mắn cho Cẩm Nguyệt, dù ở nơi đất khách nhưng cô vẫn làm quen và nhận được sự giúp đỡ của nhiều người Việt Nam cũng đi xuất khẩu như Hà (Nguyễn Lan Hương), Na và cả những người bạn Nga như Sasa-anh chàng làm ở nhà văn hóa tốt bụng. Cũng trong lúc 2 vợ chồng Cẩm Nguyệt và Phan còn gặp nhiều mâu thuẫn, Mai Anh (Khánh Huyền)- cô em gái thân quen đã giúp Phan có những cái nhìn khác đi về vợ mình. Bộ phim đã lột tả “một số nét” về cuộc sống mưu sinh đầy vất vả của những con người nơi đất khách nhưng vẫn sáng lên tình người ấm áp giữa muôn vàn khó khăn, không chỉ ở những con người đi xa xứ mà cả những người ở quê nhà. Tất cả đều cùng nhau cố gắng và hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuộc sống trên sân khấu của Cẩm Nguyệt Và những nỗi lo toan của đời thựcPhim chiếu gần như song song cuộc sống của 2 con người ở 2 phương trời, xa cách nhau cả về mặt địa lý và tâm hồn. Một người vợ với những khó khăn khi phải vật lộn với cuộc sống ở nước Nga và một người chồng ở Việt Nam, thiếu thốn việc làm, nhớ vợ và đứa con đã mất nhưng lại chìm trong ghen tuông và nỗi buồn không thể tha thứ. Từ việc khai thác những nỗi đau “điển hình” trong cuộc sống gia đình, bộ phim đã làm nổi bật những tình cảm khác như tình yêu lứa đôi, tình bạn bè và chính những suy nghĩ bộc lộ cảm xúc của nhân vật Hà “Nhưng dù đi đâu, làm gì thì cũng phải đủ cả 3 đứa đấy nhá”, hay nhân vật Cẩm Nguyệt “Chỉ có điều lạ lùng là trong những ngày tháng khó khăn ấy, cả 3 chúng tôi không đứa nào nản lòng, tất cả vẫn mong mỏi ngày mai sẽ tốt đẹp trở lại. Chúng tôi tin như thế, như tin vào vầng mặt trời đang hiển hiện trước mặt tôi kia” Hà-những giây phút đầy khó khăn nhưng không thiếu niềm vui Na-một trong 2 chị em của Nguyệt Anh bạn Sasa tốt bụng Khánh Huyền vai Mai Anh Thực ra, nếu những ai đã từng sống những ngày tháng như những nhân vật mà phim đã khắc họa, thì sẽ hiểu được sâu sắc những vất vả mà họ phải trải qua. Cá nhân mình chưa từng trải qua chuyện này, thế nên mặc dù không phải là phim không lột tả được những đắng cay của con người khi xa xứ, nhưng không hiểu sao mình vẫn thấy thiếu thiếu thứ gì đó ở phim. Diễn xuất của diễn viên ổn, không phải là thiếu cảm xúc nhưng chưa tới. Mà hình như tất cả đều làm “chưa tới” vì thế nó không lôi kéo được hoàn toàn cảm xúc của mình. Dẫn ra một số hình ảnh được coi là khó khăn nhưng khó khăn “chưa tới” của các nhân vật. Chuyến hàng đi chợ sớm Cảnh sát sở tại lục soát nơi ở của người lao độngChủ đề phim hay nhưng những phim kiểu này sẽ thật sự lôi kéo được cảm xúc của khán giả nếu nó khiến người xem cảm thấy nỗi khổ đau của nhân vật dù chưa trải qua nó. Đằng này, nhân vật Cẩm Nguyệt còn tạm, nhưng nhân vật Hà thì có khó khăn nhưng vẫn thấy không thương lắm. Nhưng mình lại thích cái tính bộp chộp vui vẻ của chị ấy mà theo mình muốn bày tỏ là “nhìn nhân vật này còn muốn xem phim”. Còn nhân vật Phan thì thôi không nói, nhưng được cái phản ánh một số nét tính cách của đa số đàn ông Việt Nam (không phải tất cả nhé) nhiều khi nhu nhược nhưng sĩ diện. Buồn nhất là cái kết của phim. Không phải buồn vì nó kết thúc buồn mà là cái kết thiếu sâu sắc. Để người xem có thể cảm nhận được nỗi đau tận cùng của nhân vật, có thể để cho nhân vật Cẩm Nguyệt không chỉ gãy chân mà còn mất đi đứa con (không phải mình “trù ẻo” gì cô nhân vật đâu). Như thế bi kịch lại lần nữa tiếp diễn và người xem sẽ dễ bị chạm đến trái tim hơn khi phải trải qua 2 trạng thái đối lập, giữa niềm vui được đoàn tụ của Phan và Cẩm Nguyệt và sự chia cắt ngay sau đó. Nếu đã để kết thúc buồn thì phải làm cho nó thật sự buồn, không thì hãy để một cái kết tươi sáng hơn cho tác phẩm. Phim ca ngợi tình người trong những khoảng thời gian khó khăn của cuộc sống nhưng lại để kết thúc buồn, đây là cách làm khá hay của đạo diễn. Nhưng lại một lần nữa không biết nói từ khác ngoài từ “làm chưa tới” cho một cái kết thế này. Tất cả đều ở trong trạng thái “nửa mùa”. Thôi sẽ không review “rất cá nhân” của mình vào bộ phim nữa. Dù sao quan trọng nhất vẫn là cảm nhận của riêng bạn.