Cảm nhận The Godfather - "Bố Già" Của Nền Điện Ảnh Hollywood

Thảo luận trong 'Phân tích-Cảm nhận-Chia sẻ' bắt đầu bởi Minh Tu Le, 18/4/19.

Lượt xem: 7,330

  1. Minh Tu Le

    Minh Tu Le Moderator

    Xếp thứ ba trong danh sách top 100 phim của Viện Phim Mỹ là The Godfather - Bố Già. Nay đã thành một biểu tượng trong điện ảnh cũng như văn hóa đại chúng, The Godfather sản xuất năm 1972 (ngay giữa làn sóng điện ảnh mới của Mỹ) của đạo diễn Francis Ford Coppola là một tuyệt tác về đề tài mafia, một bộ phim hoàn hảo về mọi mặt được đánh giá là một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Mario Puzo xuất bản năm 1969, The Godfather khi ra mắt khán giả đã được đón nhận một cách nồng nhiệt bởi cả khán giả lẫn giới phê bình và ẵm lại cho đoàn làm phim tới ba giải Oscar, một trong số đó là giải cho phim chính kịch xuất sắc nhất.


    The Godfather lấy bối cảnh giữa thập niên 40 của thế kỷ XX, sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Ẩn sâu bên dưới mảnh đất Mỹ phồn vinh, New York là những cuộc chiến của các băng đảng mafia, những vụ thanh toán đẫm máu trong các khu ổ chuột, gian dâm, bội phản dưới cái mác quyền lực và sự “tôn trọng” mang lại bởi những kiếp người bị cuộc đời đưa đẩy trong xã hội. Quả thật, chủ đề chính trong cốt truyện của The Godfather là quyền lực. Vito Corleone, người ta thường gọi ông là “The Don” - Bố Già.


    The Godfather
    Đạo diễn: Francis Ford Coppola
    Năm sản xuất: 1972



    [​IMG]


    Chỗ ở của Bố Già ít ai lui đến, nhưng những ai đã đến là phải có một món quà để tỏ lòng kính trọng đối với người cha già của thế giới ngầm. Đổi lại, họ sẽ được bảo vệ dưới cái ô của Bố, được một sự đảm bảo tuyệt đối trong công việc làm ăn cũng như những nguyện vọng mong ước cá nhân trong sự nghiệp. Người con đỡ đầu Johnny Fontaine là một ca sĩ nổi tiếng, nếu không nhờ “lời đề nghị không thể chối từ” của Bố thì làm sao cậu có thể có vai diễn trong bộ phim Hollywood nổi tiếng còn một tuần để bấm máy của lão đạo diễn Jack Woltz, người từ chối thẳng thừng bất cứ ai kể cả là con tổng thống? Cũng chính vì thế mà tất cả những đứa con của “The Don” đều một mực trung thành với Bố, và đều có những phẩm chất riêng tạo nên tư cách để bảo vệ gia phả nhà Corleone.



    Người con nuôi Tom Hagen có cái đầu lạnh, và là lý trí cho cả gia đình mỗi khi có biến cố xảy đến, trái ngược hẳn so với thằng con trai cả Sonny luôn luôn hành động trước khi chịu suy nghĩ và sẵn sàng đứng lên hành động trước những kẻ mà hắn cho là chướng tai gai mắt đối với gia đình. Sonny là người có tính khí nóng nảy, một “khẩu pháo dễ tịt ngòi” nhưng trung thành với Bố.


    [​IMG]




    Người con giữa là đứa ít có tiếng nói nhất; khi sinh ra, Fredo Corleone đã bị viêm phế cầu quản. Lớn lên, Fredo mặc cảm cảm vì làm cái gì cũng “sôi hỏng bỏng không” và luôn phải dựa dẫm vào những người anh em khác mỗi khi có chuyện.


    [​IMG]


    Thằng út Michael Corleone trở về sau chiến tranh với tư cách là anh hùng kể lại cho bạn gái Kay Adams (Diane Keaton thủ vai) của mình về những giai thoại, những “chiến tích” trong giới xã hội đen của cha mình. Anh bảo với Kay rằng, anh là một con người khác tách biệt so với gia đình mình và Kay không có gì phải e sợ cả. Cho đến tận cuối phim, Kay đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Michael, vào công việc làm ăn anh một mực quả quyết hoàn toàn “không bất chính”.


    [​IMG]


    Phim có thời lượng kéo dài hơn ba tiếng, nhưng bộ phim chẳng có trường đoạn nào có thể được coi là thừa thãi hay khiến người xem buồn ngủ. Trái lại, mọi cảnh quay, từng lời thoại đều có ý nghĩa trong việc phát triển tâm lý nhân vật, cốt truyện tổng quan và lột tả trần trụi hiện thực màu đen của đời sống mafia. Với gam màu tối toát lên vẻ “quý tộc” bên trên những tội lỗi, cùng khoa hậu kỳ ánh sáng đi trước thời đại, bộ phim không thể hoàn thiện nếu thiếu đi những nét chấm phá của nhà quay phim Gordon Willis. WIllis đã sử dụng quay phim bẩn thỉu tăm tối của phản ánh đúng tinh thần của Trào lưu phim mới của Hollywood đầu thập niên 70. ánh sáng trong The Godfather là điểm nổi bật. Trước khi Godfather cùng aesthetic (tạm dịch: phong thái) tối tăm ra đời nay đã trở thành “chuyện thường ở huyện”, phim điện ảnh luôn dùng ánh sáng một cách tràn lan để tô điểm cho cái xa hoa tráng lệ mà đến 1972 Godfather đã vạch trần và hoàn toàn chối bỏ.



    [​IMG]




    Nam diễn viên huyền thoại Marlon Brando là một bậc thầy của lối diễn method acting nói riêng (tiêu biểu trong số những diễn viên sử dụng lối diễn phải kể đến Robert De Niro, Daniel-Day Lewis và Dustin Hoffman) và diễn xuất nói chung; trong The Godfather, Brando đã thể hiện được trọn vẹn khả năng lĩnh hội những chỉ đạo của đạo diễn Coppola cùng sự ứng biến tài tình của bản qua mỗi cảnh quay. Trái với lối diễn truyền thống, method acting cần một sự nhập tâm hoàn toàn vào vai diễn, thậm chí có phần tách biệt hoàn toàn với cá tính con người ngoài đời để trở thành nhân vật thật sự và có phần nguy hiểm đến sức khỏe tính mạng của bản thân trong quá trình tìm hiểu tính cách nhân vật.


    (Xem thêm video dưới để tìm hiểu thêm về tầm ảnh hưởng của Marlon Brando đối với ngành diễn xuất)




    Ngoài ra, Al Pacino cũng đã có màn biểu diễn đột phá tạo dựng sự nghiệp trong vai Michael với khí chất không hề thua kém “The Don”. Thủ theo truyền thống của gia đình, từ một cậu thanh niên đường hoàng trong xã hội, Michael xuyên suốt ba phần phim đã thực sự biến chất trở thành một “bố già” máu lạnh không ngại ngần trong giới xã hội đen để tiếp nối dấu chân của cha. Tiêu biểu nhất thể hiện tài năng trời phú của Al Pacino là cảnh “thanh toán” ở trong nhà hàng, hay cảnh cuối cùng của bộ phim, khi cậu thanh niên đã thực sự trở thành một “ông trùm” trước ánh nhìn ngỡ ngàng của Kay Adams. Phần nào trong đó cũng là cách sử dụng ánh sáng tài tình của Gordon Willis nhằm đề cao khí chất của Al Pacino, góp phần tạo nên chỗ đứng của nhân vật Michael trong bộ phim. Al Pacino về sau đã tham gia nhiều bộ phim gangster, như Scarface (1983), hay Heat (1995) có sự xuất hiện của Robert De Niro. Nhưng mãi đến tận năm 1993, thì Al Pacino mới ẵm giải Oscar cho Nam Chính Xuất Sắc Nhất trong vai sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu.



    [​IMG]



    Các nhân vật khác ở trong phim như các anh em của nhà Corleone, hay Kay Adams cũng đã hoàn thành xuất sắc các vai diễn của mình. Điều đó hoàn toàn không dễ dàng trong một bộ phim có tới hai diễn viên huyền thoại trong lịch sử điện ảnh là Pacino và Brando.


    [​IMG]


    Không có bộ phim nào thực sự hoàn thiện nếu thiếu hụt về mảng âm thanh. Âm nhạc trong The Godfather cũng quan trọng không kém trong việc tạo dấu ấn trong không khí một bộ phim gangster lấy âm hưởng từ những phim của thập niên 30. “Speak Softly Love” của nhà soạn nhạc người Ý Nino Rota (người soạn nhạc cho nhiều phim của Frederico Fellini) đã được cover nhiều lần (bản cover nổi tiếng nhất của Andy Williams. Tay guitar chính của Guns ‘n Roses Slash đã chơi một bản của Speak Softly Love trong tour diễn năm 1992) và chuyển thể sang nhiều thứ tiếng khác nhau, trong đó có tiếng Việt với tên gọi “Thú yêu thương”. Trong “Speak Softly Love” có cái gì đó rất Ý, rất quý tộc, rất nữ tính sâu lắng. Giai điệu của nhạc nền phim u dương êm ái tương phản hoàn toàn cho cái bạo lực máu me trần trụi và những con người biến chất trong Godfather. The Godfather đã được đề cử cho giải Oscar cho nhạc phim xuất sắc nhất.





    [​IMG]

    Như đã nói ở trên, chủ đề trong The Godfather là quyền lực. Gangster là tiêu điểm của phim, nhưng cái quyền lực mà Francis Ford Coppola muốn nói đến trong Bố Già vượt lên trên một nhóm người, gia đình, hay đất nước. Bố Già là đại diện cho những kẻ đứng trên cùng của xã hội, chung quy cho cùng, là những kẻ nắm đằng chuôi, là hệ thống đã được sắp đặt lên dây cót từ thuở nào, là những kẻ mà dân đen thấp cổ bé họng phải khiếp sợ kiêng nể mỗi sáng thức dậy. “Bố già”, không ai là không trông cậy vào, là người “giật dây” và đứng sau tất cả.


    [​IMG]


    Đại văn hào người Anh George Orwell từng viết trong tác phẩm dystopia giả tưởng nổi tiếng 1984 của ông về một xã hội độc đảng, độc tài, nơi tiếng nói của người dân không còn sức nặng và tất cả những gì được cho là “đúng” là những gì mà Big Brother (Anh Cả) nói, kể cả phép tính sai rõ rành rành là 2+2=5.

    Hay trong tác phẩm ra đời trước 1984 của Orwell, có câu trích như sau:

    “All animals are equal, but some animals are more equal than others.”
    Tạm dịch: “Mọi loài đều có quyền bình đẳng; nhưng có những loài được bình đẳng hơn các loài khác”


    2+2=5 là đúng, khi mà Big Brother nói nó đúng. Xã hội viễn tưởng phân chia rõ ràng tầng lớp mà Orwell hình dung đã luôn tồn tại trong lịch sử loài người, trong The Godfather được thể hiện một cách gần gũi và trần tục qua thế giới Mafia chân thực tàn bạo nhất có thể từng được đưa lên màn ảnh thời bấy giờ.


    Các diễn viên chính trong phim Al Pacino, Robert Duvall, James Cann hay Diane Keaton đều chỉ ra tầm ảnh hưởng của “dấu mốc son” The Godfather đến danh tiếng và sự nghiệp của họ. Francis Ford Coppola đã tạo nên một tuyệt tác hiếm có trong lịch sử điện ảnh, một chuyển thể hiếm hoi mà có thể nói là tuyệt vời hơn trên nguyên tác. Ý tưởng các nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên của Mario Puzo (Ngọc Thứ Lang chuyển thể sang tiếng Việt năm 1972) là tuyệt hay, song Francis Ford Coppola cùng với sự xuất sắc của “bộ sậu” diễn viên đã biến những Michael, “The Don”, Tom Hagen, Sonny, Kay Adams trở thành các biểu tượng vĩnh cửu của điện ảnh Hollywood.


    Vị đạo diễn huyền thoại Stanley Kubrick đã xem đi xem lại The Godfather và gọi nó là “the greatest movie ever made” - bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại. Sức ảnh hưởng của The Godfather lên văn hóa đại chúng và nền điện ảnh, cũng như sức ảnh hưởng của gia đình Corleone lên giới mafia, là không thể đong đếm. The Godfather không chỉ là một bộ phim, The Godfather là sự thể hiện một tư tưởng, tiếng lòng chung của một thế hệ sinh ra trong thời “bình mà như thời chiến”, một xã hội loạn lạc mà mọi chuyện đều có thể xảy ra. Điềm đạm uy quyền song ẩn chứa sự máu lạnh và quyết đoán, gan lỳ khôn ngoan, từng cử chỉ và khí chất của Bố Già do Marlon Brando thủ vai đã làm tiền đề cho hình ảnh một tên trùm gangster kể từ đầu thập niên 1970 về sau như Goodfellas, Once Upon A Time In America hay A Bronx Tale. Cùng với Apocalypse Now, The Conversation, The Godfather: Part II, The Godfather ghi dấu mình lên trên thập niên 1970: Kỷ nguyên của Francis Ford Coppola.


    [​IMG]

    Minh Tu Le - 24hinh.vn